Được tạo bởi Blogger.

Preparing for Pregnancy | Mother-to-be must have books!

Mình không phải là người chăm chỉ đọc sách lắm, thời đi học chỉ thích đọc sách truyện tranh kiểu Doraemon hoặc Thủy Thủ Mặt Trăng, đại khái mình là tuýp người kiểu nông cạn và thích mấy thứ lãng mạn, phù phiếm và hơi... ảo tưởng.

Khi mình bắt đầu mang thai, mình cũng không chú tâm vào đọc sách dành cho mẹ bầu hoặc sách chăm sóc trẻ nhỏ lắm. Mình nghĩ đơn giản "đẻ con trai thì hỏi bà nội (mẹ chồng mình hai người con trai), đẻ con gái thì hỏi bà ngoại (mẹ đẻ mình hai cô con gái)" hoặc "các bà đầy kinh nghiệm, lo gì mà không chăm được con mình!". Cộng thêm với đó, việc mình bị "nghén ngủ" và công việc kéo dài nhiều giờ bên máy tính cũng khiến mình trở nên lười nhác trong việc tìm đọc sách nuôi con, chăm sóc trẻ nhỏ, mang thai... mà hầu như chỉ thu thập kinh nghiệm từ trên mạng, các diễn đàn. Đấy là một sai lầm mà không bao giờ mình và các bạn nên vấp phải!

Trước khi mình bước vào bài viết này, mình muốn khẳng định với mọi người một điều rằng internet không thể thay thế được cho sách! Đừng ỉ i rằng có internet, có các hội nhóm trên Facebook, có các bài viết trên báo và trên các trang web chuyên về bà mẹ trẻ nhỏ... thì chúng ta có thể tìm hiểu và biết được nhiều thứ. Mình học báo chí, chuyên ngành báo mạng, vì vậy mình hiểu ra ưu và nhược của báo mạng và internet là gì. Điểm mạnh của báo mạng đấy là "nhanh nhạy", "tin tức tổng hợp" và lượng kiến thức các bạn thu thập được thì vô cùng lớn... Nhưng điểm trừ lớn nhất cũng của báo mạng đấy là cái gì cũng nông cạn, đọc đấy rồi quên đấy vì sở thích của người đọc báo mạng và tìm hiểu thông tin trên internet là "lướt, lướt, và lướt"

Cuối cùng điều đọng lại trong chúng ta là gì? Hầu như là rất ít. Trong khi đó, sách giống như một người bạn, ân cần đến bên ta, ở bên cạnh ta, cho ta thời gian đọc - nghiềm ngẫm - suy nghĩ - liên tưởng... rồi dần dần thẩm thấu vào trong tâm trí. Nhiều khi nhớ nhớ quên quên, chạy đến bên tủ sách, giở quyển sách mình đã đọc và nhớ có đoạn mình cần tìm, là chợt bao nhiêu kiến thức lại ùa về. Còn lúc bấy giờ mà tìm trên internet ư? Cơ man là bao nhiêu thứ, và những cái ta đã đọc thì bị "trôi" đến trang mấy chục mấy trăm trên Google mất rồi.


Một điểm nữa mình muốn nhấn mạnh với mọi người sau gần 3 năm nuôi con nhỏ: mỗi đứa trẻ đều là một cá thể khác biệt, đừng bao giờ lấy bất kì một "thước đo", một "chuẩn mực" nào để ép vào rập khuôn con bạn phải như vậy. Con có bị ốm hoặc bị làm sao đấy, đừng bao giờ chụp ảnh rồi up lên hội nhóm hỏi con bị làm sao, thời gian đấy đưa con đi khám bác sĩ có khi còn đỡ mệt đầu hơn. Mình đã nhìn thấy nhiều trường hợp, con bị nọ bị kia up ảnh lên nhóm trên facebook để hỏi nhằm cầu xin sự giúp đỡ, giúp đỡ đâu chẳng thấy, chỉ thấy các mẹ vào xỉa xói mắng mỏ nói nặng nhẹ đại loại kiểu "làm mẹ mà như thế này à", "sao lại để con bị như thế", "chả hiểu làm mẹ kiểu gì", rồi lại vào so sánh "con mình hồi bằng con bạn chẳng bao giờ như thế", "con mình tầm con bạn nhưng cháu nó đã như thế này"... Sau một thời gian, mình tự out khỏi các group đấy hết, và tự nuôi con theo cách của mình, có thể chẳng đúng, có thể còn nhiều khiếm khuyết, nhưng cả mẹ cả con thấy thoải mái, vui vẻ vậy là quá tốt rồi. 

Nhiều khi người Việt chúng ta tự cho cái quyền "thích gì nói nấy" mà không biết rằng nó là con dao sắc nhọn đâm trực tiếp vào tim gan người nghe. Chẳng ai làm mẹ muốn con mình bị như thế hết cả. Vì vậy thay vì "vái tứ phương" trong một diễn đàn tạp phí lù các thể loại người, mỗi người một ý kiến một trình độ... hãy tự trang bị kiến thức cho bản thân thật tốt và tự tìm kiếm những nguồn kiến thức đáng tin cậy trước đã. Và sách, chính là một trong những nguồn thông tin đáng tin cậy như thế!

Như mình đã nói ở đầu bài, mình đọc không nhiều, và những quyển sách mình đọc cũng không phải quá phong phú. Tuy nhiên, cá nhân mình có quan niệm: đã đọc, thì phải đọc một quyển sách nghiêm chỉnh, có kiến thức phong phú và phù hợp với nhu cầu, đừng nên thấy quyển nào mọi người bảo "hay lắm, bổ ích lắm" cũng mua về, bởi nhiều khi "hay" với họ nhưng chưa chắc đã "hay" với ta. Những quyển sách tốt, đặc biệt là những quyển sách chất lượng với lượng kiến thức đầy đủ... thường đến từ những người viết uy tín và những nhà xuất bản lớn, chất lượng!

Ngày hôm nay mình muốn nói qua về hai quyển sách mà mình rất yêu thích và đang đọc, nghiền ngẫm từ tốn thời gian gần đây. Đây là những quyển sách cơ bản nhất của cơ bản nhất mà hầu như tất cả các bà mẹ mang thai - nuôi con nhỏ nên có trong tủ sách của gia đình hoặc gối đầu giường.

1. "68 ngộ nhận & giác ngộ về nuôi con sữa mẹ - sai và khó, đúng và dễ" - Thạc sĩ/chuyên gia sữa mẹ Lê Nhất Phương Hồng (NXB Phụ Nữ): cuốn sách dành cho các bà mẹ muốn cập nhật những kiến thức mới nhất, khoa học nhất về nuôi con bằng sữa mẹ - cho con có một khởi đầu hoàn hảo!


Sách này mọi người không thể tìm mua được ở các nhà sách trên toàn quốc, online hoặc các hiệu sách giảm giá ở Nguyễn Xí. Mình đã từng tìm "nát" cả phố Nguyễn Xí - Đinh Lễ mà không thấy quyển này, sau đấy mới được một chủ hiệu sách cho biết vì mua ở các hiệu sách trên phố này bị chiết khấu % nên tác giả đã quyết định tự bán sách chứ không nhờ phân phối tại các hiệu sách nữa. Một em bán sách có "gạ" mình, nói rằng đưa số điện thoại thì mai em nó sẽ có 1 quyển cho mình với giá là 368k - sinh nghi nên mình về nhà lên mạng tìm và biết được rằng em đấy định lừa mình để lấy % hoa hồng vì sách hiện được bán trực tiếp trên trang web: http://www.betibuti.com/

Bạn có thể chọn mua theo hai hình thức: gói 350k bao gồm sách, 1 đĩa VCD nói chuyện của chuyên gia sữa mẹ Lê Nhất Phương Hồng trong chương trình "Cuộc sống thường ngày" - VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam; hoặc gói 400k có thêm ứng dụng app Bà Bầu trên Anroid và IOS.


Mọi hình thức thanh toán đều thực hiện online (với điều kiện bạn có tài khoản ibanking và email) rất nhanh gọn. Sau 2 ngày là mình đã nhận được cuốn sách trong tay, đóng hộp chắc chắn, sách có cả vỏ bọc nilon gọn gàng để tránh xước bẩn và chữ kí của chuyên gia sữa mẹ Lê Nhất Phương Hồng.

Đầu tiên, phải nói rằng cô Hồng là một người rất tâm huyết với việc truyền đạt kiến thức nuôi con sữa mẹ hoàn toàn. Mọi kiến thức đó được truyền tải trong sách vô cùng phong phú, thú vị, logic và khoa học. Nếu không có cuốn sách, mình không thể biết được rằng sữa mẹ đã có sẵn trong cơ thể phụ nữ mang thai từ tuần thứ 16-20 của thai kì, và sữa non khi xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ hai trở đi đã có thể hút và trữ đông chờ em bé ra đời cho bú; mình cũng không thể "thẩm thấu" hết được phương pháp "skin to skin""72 giờ vàng" được nhắc đến rất nhiều trong hội Sữa mẹ trên Facebook; và mình hoàn toàn không thể ngờ rằng mình có thể vừa mang thai vừa nuôi con bú, và sau đó thì cho cả bé lớn và bé nhỏ bú cùng một lúc mà không ảnh hưởng gì... Trong sách cũng có nhiều những tài liệu, hình ảnh phong phú về việc cung cấp dinh dưỡng cho mẹ bầu, các bài tập để tăng tiết sữa và chuẩn bị cho quá trình nuôi con bú ngay từ khi bé ra đời v.v..


Thứ nữa, mình là một người mẹ nuôi con bú kết hợp giữa sữa công thức và sữa mẹ, đến khi bạn Xốp tròn 1,5 tuổi thì mình cai sữa mẹ cho con và tiếp tục cho con uống sữa công thức. Chưa kể đến, khoảng thời gian đầu mình khá chật vật trong việc nuôi con bú bằng sữa mẹ, vì nghĩ rằng "ngực mình bé thì sữa mình tiết ra đáng bao nhiêu?!?" và ngay từ những ngày mới sinh, vì mình sinh mổ nên con đã được các cô hộ lý cho uống sữa công thức ngay, sau đó về với mẹ lại tiếp tục hành trình: mẹ chưa tiết sữa thì con đi bú sữa ngoài, mỗi lần 30ml... Nói tóm lại là sai lầm này nối tiếp sai lầm kia. Và đến giờ mình vẫn vô cùng hối hận vì không thể cho con có được những kháng thể quý giá từ cơ thể mẹ những ngày đầu mới sinh, để biết đâu đấy nhờ thế con mới có sức đề kháng tốt hơn bây giờ! Chính vì "giác ngộ" được tầm quan trọng của sữa mẹ khá muộn màng và phải nuôi bạn Xốp khá vất vả vì sức đề kháng của bạn yếu, mình hiểu được rằng nếu có em bé thứ hai mình sẽ nuôi con bằng sữa mẹ, không thể trọn vẹn 2 năm thì chí ít cũng phải 6 tháng đến 1 năm! Và bởi vì mặc dù đã có 1 con nhưng gần như kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ của mình... bằng 0, nên mình đã mua cuốn sách này về để nghiền ngẫm, đọc hiểu và cố gắng ghi nhớ để áp dụng nếu có em bé thứ hai :)

Cuối cùng, việc nuôi con bằng sữa mẹ hiện nay đã được nhiều tổ chức/bệnh viện/bác sĩ và các nhóm hội kêu gọi thực hiện một cách nghiêm túc. Nuôi con bằng sữa mẹ là điều tất yếu, nhưng ở Việt Nam lại trở thành điều "xa xỉ", đặc biệt với các gia đình có điều kiện ở các thành phố lớn. Việc nuôi con bằng sữa công thức và những tác hại, mặt trái của sữa công thức đang dần được khoa học chứng minh và làm rõ... vì vậy, nuôi con bằng sữa mẹ là điều vô cùng hợp lý, thuận theo tự nhiên và cũng thuận theo cả lý thuyết khoa học. Không có gì là sai trái, thậm chí là vô cùng đúng đắn.

Cuốn sách này tựa như một cuốn cẩm nang cho người sắp làm mẹ và các thành viên trong gia đình. Là một cuốn sách mà các mẹ bầu - nếu có điều kiện (vì cũng tương đối đắt) và muốn nuôi con sữa mẹ nghiêm túc, cập nhật kiến thức đầy đủ và cơ bản nhất để nuôi con sữa mẹ đúng đắn... thì nên có cuốn sách này ở đầu giường.

Giống như câu nói ngay ở đầu cuốn sách của chuyên gia sữa mẹ Lê Nhất Phương Hồng: "Phúc Lộc của con ở trong tay bố mẹ", hay để con có một khởi đầu tốt nhất - và thuận theo tự nhiên nhất!

2. "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng" - BS Đỗ Hồng Ngọc (NXB Tổng hợp TPHCM): Cẩm nang cho các bà mẹ về mọi vấn đề của trẻ nhỏ, từ sơ sinh cho đến tuổi lên ba.


Cuốn sách mình sở hữu đã là lần tái bản thứ 18. Đây là một cuốn sách hay, đến từ một vị bác sĩ tâm huyết, yêu nghề và yêu trẻ, nhiều năm liền là quyển sách được coi là "gối đầu giường" của các bà mẹ trẻ, đặc biệt là những bà mẹ mới sinh con đầu lòng. Nhìn chung, đúng như phần mở đầu của quyển sách có đề cập đến, đứa con nào chẳng là "con đầu lòng" của bố mẹ? Bởi mỗi đứa mỗi tính, mỗi đứa mỗi kiểu, vì vậy việc sở hữu một quyển sách "toàn tập" về trẻ nhỏ như thế này trong tủ là một điều nên làm.

Mặc dù được in lần đầu vào năm 2007 - 2008 (quãng đấy), nhưng những gì là cốt lõi nhất, cơ bản nhất trong việc chăm sóc trẻ nhỏ vẫn nằm trong cuốn sách này, không hề lỗi thời một chút nào. Khác với cuốn "nuôi con bằng sữa mẹ" ở trên, tập trung chủ yếu vào vấn đề sữa mẹ và cách nuôi con bằng sữa mẹ trọn vẹn, cuốn sách này chỉ có một phần nhỏ nói về sữa mẹ - nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sữa mẹ, và ở ngay phần đầu của cuốn sách - điều đó chứng tỏ việc nuôi con bằng sữa mẹ là một điều tối quan trọng mà mọi bà mẹ đều cẩn phải biết và phải học. Ở những phần sau của cuốn sách, giống như một cuốn từ điển về chăm sóc trẻ nhỏ,  mọi vấn đề của trẻ nhỏ: ăn như thế nào, ngủ ra sao, khi gặp các vấn đề như đầu bụng - nôn chớ - táo bón - tiêu chảy v.v.. đều được tác giả ghi chú rõ ràng nguyên nhân và cách giải quyết.


Nếu như các bạn không có điều kiện mua trực tiếp hoặc không thể tìm mua ra (sách cũng thường xuyên cháy hàng) thì có thể vào link này, bạn chủ blog đã scan và đánh word lại toàn bộ quyển sách để chúng ta có thể cùng đọc và cùng trau dồi kiến thức.

Hy vọng đôi dòng chia sẻ sẽ giúp ích được cho các bạn.

Thân,


[Tủ sách của bạn Xốp] Những quyển sách đầu tiên...

"Đề cho con một hòm vàng cũng không bằng dạy cho con một quyển sách hay"

Công nghệ thông tin phát triển, con người làm quen với nhiều loại máy móc hiện đại hơn, nhiều nguồn thông tin phong phú hơn (điển hình như việc Google là ra một thông tin mà chúng ta tìm kiếm với hàng triệu câu trả lời)... thì việc đọc sách lại càng trở nên hiếm hoi và ít ỏi. Trẻ con hiện nay thích chơi Iphone, Ipad và đọc những loại truyện tranh "nông cạn" hơn là đọc những quyển truyện với những câu từ được chau chuốt, nội dung đầy ẩn ý để chuyển tải bài học cuộc sống... Chính vì vậy, nói không ngoa thì việc dạy cho con việc yêu thích đọc sách và trân trọng sách trong thời điểm hiện nay là một điều khá khó khăn.

Xây dựng cho con một tủ sách hay với nhiều loại sách bổ ích, được phân loại sắp xếp thứ tự rõ ràng và dễ tìm kiếm sẽ giúp cho con không chỉ phát huy kiến thức của bản thân (đặc biệt trong giai đoạn "phát triển vàng" 0-3 tuổi) mà còn giúp con có tính ngăn nắp, sạch sẽ, gọn gàng ngay từ bé.


Preparing for Pregnancy | Những ngày đầu tiên có bé

Những ngày đầu tiên có con, cảm giác thật ngỡ ngàng, vụng về, lúng túng. Và còn vụng về, lúng túng và lo lắng hơn khi chẳng hiểu tại sao động tí con lại khóc toáng cả lên. Hầu như những ngày đầu, mẹ và những thành viên trong gia đình "phụ trách" trông bé cùng với mẹ sẽ cảm thấy rất căng thẳng và mệt mỏi... Tuy nhiên nếu đã có kinh nghiệm "chinh chiến" bạn sẽ thấy thực ra những ngày đầu tiên đó còn vui sướng và nhàn nhã gấp vạn lần những tháng năm tiếp theo đó :)


Preparing for Pregnancy | Về "truyền thuyết" không được nhuộm tóc và sơn móng tay khi mang bầu

Ok, tiếp tục chủ đề "chuẩn bị mang thai" lần trước - mình nói về những thành phần nên tránh trong mỹ phẩm dưỡng da (mặt), ngày hôm nay mình sẽ nói đến một "truyền thuyết" đã được lưu truyền và được nhiều mẹ bầu (trong đó có cả mình) rất tin tưởng đó là không được nhuộm tóc và sơn móng tay khi mang thai.

 

Thật ra thì cái "truyền thuyết" này nó không phải là không có lý do để tin. Mọi người cứ thử nghĩ mà xem: các lọ thuốc nhuộm tóc và sơn móng tay thường có mùi khá hắc và nồng, mới ngửi đã thấy rất ghê, nói chi đến việc sử dụng nó - mà là sử dụng trong giai đoạn mang thai 9 tháng 10 ngày vô cùng thiêng liêng và quan trọng?!? 

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lật lại vấn đề: có rất nhiều chị em làm việc trong môi trường hóa chất độc hại ở các tiệm hair salon, nails salon... nhưng họ vẫn có thai kì khỏe mạnh, em bé vẫn phát triển bình thường...

Vậy nhuộm tóc và sơn móng tay trong giai đoạn mang thai có hại thật hay không?!? 

 Nail Polish & Nail Polish Remover
 
Để dễ theo dõi hơn, tương tự như phần 1, mình sẽ kẻ bảng để các bạn dễ phân biệt :)

Một điều mình cảm thấy rất thắc mắc là khi theo dõi các Pregnancy Vlog của các bạn Vloggers trên Youtube, hầu như tất cả đầu sơn móng tay một cách thoải mái và không hề "quan ngại sâu sắc" như các mẹ bầu ở Việt Nam. Việc sơn móng tay và làm đẹp đôi bàn tay ở nước ngoài được coi là tối quan trọng, và việc sử dụng sơn móng tay cũng như dung dịch tẩy nước sơn móng tay là hoàn toàn bình thường và không có gì phải đáng ngại hết cả.

Tất nhiên, trong đó vẫn có một số chất "được cho là" đáng ngại khi sử dụng trong thời gian mang thai. Gồm:

Tên thành phần
Sản phẩm chứa thành phần
Tác dụng trong sản phẩm
Tác hại của thành phần
Sự thật là…
Formaldehyde

Sơn móng tay
Làm cứng móng tay
Khi ngửi một nồng độ lớn Formaldehyde sẽ khiến cho mắt, mũi, cổ họng và phổi của chúng ta bị kích ứng. Nguy cơ bị ung thư là rất cao nếu tiếp xúc trực tiếp với chất này trong một thời gian dài…
Formaldehyde rất dễ bị trung hòa khi đi vào trong cơ thể - vì vậy khả năng thai nhi bị nhiễm Formaldehyde là rất thấp.

Thêm vào đó, nồng độ Formaldehyde trong các lọ sơn móng tay (tại Vương Quốc Anh) được kiểm nghiệm để sử dụng dưới 0,2% trong các sản phẩm. Nồng độ này được cho là không hề nguy hiểm tới sức khỏe của con người.

Toluene
Sơn móng tay
Giúp màu móng tay lên bóng hơn
Tương tự như Formaldehyde, khi tiếp xúc trực tiếp với Toluene trong một thời gian dài và có nồng độ cao sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi – chất này lại được nhiều bác sĩ khuyến cáo hơn là Formaldehyde, đồng thời gây ra dị ứng ở mắt, mũi, cổ họng và phổi.
Nên tránh
Acetone
Nước tẩy sơn móng tay
Hiển nhiên là để “đánh bay” màu sơn móng tay cũ rồi :)
Khi tiếp xúc trực tiếp với một lượng lớn Acetone có thể dẫn đến gây hại đến thai nhi…
Sự thực thì liều lượng Acetone trong các sản phẩm tẩy móng tay là rất nhỏ, khả năng nó gây ảnh hưởng đến em bé trong bụng là rất ít, kể cả khi bạn tiếp xúc với nước tẩy sơn móng tay hằng ngày

Lượng Acetone có trong sản phẩm có nồng độ không hề cao, chỉ giống như hàm lượng chất đó có tương tự trong cơ thể chúng ta mà thôi.

Phương án giải quyết
Có một số các phương án giải quyết sau mà mọi người nên tham khảo – lời khuyên của mình là nên tránh hai thành phần Folmadehyde và Toluene, cẩn tắc vô áy náy:

- Sử dụng sơn móng tay có chứa các nhãn “three-free”, hoặc “five-free”. Trong đó: “three-free” là các lọ sơn móng tay không chứa formaldehyde, toluene và dibutyl phthalate; “five-free” là các lọ sơn móng tay không chứa formaldehyde, toluene, dibutyl phthalate, camphor và nhựa tổng hợp formaldehyde. 

Hiện tại đã có các lọ sơn móng tay có đến “seven-free” hoặc “all free” để chúng ta yên tâm dung khi mang thai.

- Trong trường hợp bạn vẫn muốn sử dụng các lọ sơn móng tay có chứa hai chất trên, hoặc không thể tìm được các lọ sơn móng tay có nhãn “three-free”“five-free”… bạn vẫn có thể sử dụng sơn móng tay nhưng hạn chế 1 lần/tuần là tối đa.

- Sơn móng tay trong phòng thoáng khí để mùi của sản phẩm bay nhanh

- Để móng tay khô tự nhiên. KHÔNG THỔI BẰNG MỒM ĐỂ MÓNG TAY NHANH KHÔ.

- Nếu vẫn lo lắng về vấn đề nước tẩy sơn móng tay, bạn có thể sử dụng các loại nước tẩy có đề “acetone-free”

- Sau khi sử dụng nước tẩy cho sơn móng tay, nên rửa tay lại bằng nước sạch và xà phòng để loại bỏ mọi chất hóa học có thể còn lưu lại trên tay

Sản phẩm tham khảo
Một số cái tên  nổi bật hay được mẹ bầu nước ngoài tin tưởng dùng là: Scotch Naturals, Butter London, Deborah Lippmann, L'oreal, Revlon

(Nguồn tham khảo: http://www.babycentre.co.uk)

Dying hair during Pregnancy 

Khoa học được phép thí nghiệm trên phụ nữ mang thai, vì vậy rất hiếm có một nghiên cứu nào có thể khẳng định được rằng chất này hoặc chất kia có thể gây nguy hại cho thai nhi và phụ nữ mang thai. Tất cả chỉ dựa trên kết quả thí nghiệm trên người bình thường.

Mặc dù những nghiên cứu về việc nhuộm tóc có hại cho thai nhi và phụ nữ mang thai còn rất ít, nhưng đa phần đều khẳng định rằng những thành phần có trong thuốc nhuộm tóc rất khó có khả năng gây hại cho sự phát triển của em bé ở trong bụng lẫn sức khỏe của bà mẹ mang thai, tính cả trường hợp một số chất có khả năng thâm nhập vào cơ thể người sử dụng.

Mặc dù vậy, để chắc chắn và đảm bảo an toàn nhất, cũng có một số lời khuyên được đưa ra cho mẹ bầu nếu muốn nhuộm tóc trong giai đoạn mang thai:

- Hãy chờ bước qua 3 tháng đầu của thai kì trọn vẹn (tam cá nguyệt thứ nhất) hãy cân nhắc việc nhuộm tóc - rất nhiều tài liệu mình đọc và tham khảo đều lưu ý điểm này nên các bạn cần đặc biệt chú trọng nếu muốn nhuộm tóc trong khi mang bầu!

- Chắc chắn rằng việc nhuộm tóc được thực hiện trong một khu vực thông thoáng

- Đeo găng tay khi nhuộm (với điều kiện tự nhuộm ở nhà)

- Cẩn thận làm theo các hướng dẫn trên bao bì

- Kiểm tra khả năng kích ứng với sản phẩm trước khi tiến hành nhuộm (có thể là trộn một ít sản phẩm rồi bôi phần sau gáy)

- Không để các hóa chất lưu lại trên tóc dài hơn thời gian quy định trong hướng dẫn sử dụng sản phẩm nhuộm

- Rửa sạch da đầu thật kĩ sau khi nhuộm

- Nếu vẫn còn sợ hãi, bạn có thể nhuộm phần ngọn tóc, và tránh phần chân tóc và phần da đầu. KHÔNG nhuộm lông mi, lông mày vì dễ gây kích ứng, nhiễm trùng và đau mắt.

Một điểm nữa đó là khi mang thai thì cấu trúc tóc có thể sẽ thay đổi (do thay đổi nội tiết tố trong người - ví dụ như mình thì khi mang bầu cảm giác tóc dầu và dễ bết hơn so với bình thường), ngoài ra sau khi đẻ xong em bé trong khoảng từ 6 tháng đến 1 năm tóc sẽ rụng rất nhiều (rất nhiều đấy) vì vậy việc nhuộm tóc mình thực sự không khuyến khích mọi người làm khi mang bầu (mặc dù không hề nguy hiểm) mà nên chú trọng vào việc dưỡng tóc nhiều hơn để giảm thiểu khả năng rụng tóc sau sinh.

Hiện tượng rụng tóc sau sinh là hoàn toàn bình thường, không có gì phải quan ngại. Bạn chỉ cần chú trọng chăm sóc tóc đúng cách, tóc sẽ khỏe trở lại.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn tự tin hơn với những "truyền thuyết" không có căn cứ khoa học đang được lan truyền nhiều năm nay với các mẹ bầu.

Nhớ nhé: bầu là phải đẹp, phải tự tin!

Thân,


Preparing for Pregnancy | Những thành phần trong mỹ phẩm cần tránh khi mang thai và phương án thay thế

Hi mọi người!

Tâm sự một chút: như mọi người đã biết thì mình có một cô con gái đã 3 tuổi. Con đã đi học, quen trường quen lớp, và trộm vía sức khỏe đã khá lên rất nhiều so với hồi bé. Hai vợ chồng mình cũng đang rục rịch chuyển ra nhà riêng ở, không gian nhà mới rộng hơn và thoải mái hơn so với nhà cũ, ở chung 4 thế hệ dưới một mái nhà (mọi người có thể tham khảo hai chuyên mục My Home Diary Being A Mom (BAM) Series để biết hơn về cuộc sống cá nhân của mình cũng như cách mình sắp xếp cuộc sống).

Như nhiều cặp vợ chồng khác, bọn mình cũng mong muốn con cái "có nếp có tẻ", và cũng không muốn dừng lại chỉ ở 1 bé mà muốn có thêm 1 bé nữa cho có chị có em, vui cửa vui nhà. Dù gì thì Chính phủ Việt Nam cũng cho để từ 1 đến 2 con, chứ không như Trung Quốc chỉ cho đẻ 1 bé, vì vậy chẳng tội gì mà mình lại đi hạn chế cái "quyền được đẻ" của mình đúng không nào? =]]


Trong lần mang thai đầu tiên, vợ chồng mình hoàn toàn để tự nhiên và không tính toán gì hết cả, vì là con đầu. Nhưng đến lần mang thai thứ hai này, vợ chồng mình phải tính toán rất kĩ để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và cuộc sống của gia đình đã có 1 con nhỏ. 

Nếu như mọi người có nhu cầu tìm hiểu xem lần mang thai đầu mình dùng sản phẩm gì và hiệu quả của nó như thế nào thì có thể vào đây tham khảo. Ở trong lần mang thai thứ hai, vì điều kiện thời gian eo hẹp (còn phải chăm một bé gái nhỏ) và thị trường mỹ phẩm dành cho mẹ bầu cũng đã phong phú hơn, cộng thêm với thời gian tìm hiểu để chuẩn bị cho ra đời em bé thứ hai cũng kĩ lưỡng hơn, vì vậy mình đã có thể đọc và học hỏi được thêm nhiều điều hay ho, thú vị trong việc dưỡng da khi mang bầu và rất muốn chia sẻ với mọi người.

Tất cả những hình ảnh, câu chữ trong bài viết là của mình tự thu lượm và tham khảo rồi tổng hợp lại kiến thức trên mạng. Có thể không đầy dủ nhất, vì còn rất nhiều tài liệu khác trên internet mà mình chưa thể đọc hết được, nhưng đây là những kiến thức mà mình cho là cơ bản nhất mà mỗi bà mẹ khi bước vào giai đoạn mang thai cần phải nhớ. 

Hy vọng bài viết hôm nay hữu ích cho các bạn đang và sắp sửa mang bầu!

Monthly Favs | October 2015

Những ngày cuối cùng của Tháng Mười - nói không ngoa thì đây là tháng có thời tiết đẹp nhất trong năm của Hà Nội: nắng vàng xuyên qua từng kẽ lá, không khí buổi sớm thấm đẫm sương se se lạnh xen cùng với mùi có cháy khét len lỏi từ vùng ngoại ô vào trong thành phố. Mùa này làm gì cũng thích: ăn cũng thích, ngủ cũng thích, đi chơi chụp ảnh cùng thích... Vậy nên là các đám cưới nở rộ ra như được mùa, và xuất hiện tình trạng "1m2 Bờ Hồ 4-5 cặp cô dâu chú rể chen chúc". Mệt ghê cơ! Nhiều khi mình thấy mọi người đúng là như đang "hành xác" nhau vì đám cưới, vì đi "trả nợ mồm", vì một bộ ảnh đẹp để up lên Facebook hoặc trưng ra trong đám cưới cho quan khách nhìn... Sau đấy đem về cất tủ :)) Tin mình đi, dễ khoảng gần 2 năm nay mình chả lôi ảnh cưới ra xem lần nào nữa ý :D

Nói vậy chứ Mùa Thu Hà Nội thực sự rất đẹp, và không đi bộ ngắm cảnh để thấy lòng thư thái và lấy lại cân bằng cuộc sống trong tiết trời đẹp đến mê hồn như thế này là cực kì có lỗi đấy ạ! :)

Hai mẹ con mình đi bộ buổi sáng ở Thủ Lệ. Mình vẫn chăm chỉ update hình ảnh về cs thường nhật và những review ngắn trên Instagram, mọi người đừng quên follow nhé: https://instagram.com/mrs.meo/

The Body Shop Camomile Sumptuous Cleansing Butter – tôi đành lỡ hẹn với em

*Trước khi đọc bài viết này, mình chỉ lưu ý với mọi người một điều: mỗi người có cấu tạo da – nội tiết tố khác nhau, sản phẩm nào mình hợp không có nghĩa là các bạn cũng sẽ hợp như thế và ngược lại. Mọi review từ khen tới chê trên blog chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi người cần phải có những trải nghiệm thực sự để hiểu hơn về sản phẩm mà các bạn quan tâm.

The Body Shop (TBS) là một cái tên không còn mới lạ gì ở Việt Nam nữa. Khoảng thời gian vừa qua với những chiến dịch PR và quảng cáo rộng rãi, TBS đã tiến đến rất gần với người tiêu dùng Việt Nam. Đặc biệt là người tiêu dùng trẻ tuổi (khoảng từ 18-20 tuổi trở lên).

Các sản phẩm của TBS được quảng cáo là “thiên nhiên”, đồng thời với đó, hãng cũng là một trong những hãng mỹ phẩm đi đầu trong việc bảo vệ môi trường (khuyến khích người mua không dùng túi nilon mà thay vào đó là túi giấy, và nếu người mua không cần túi đựng sản phẩm thì nhân viên luôn có câu cửa miệng: “cám ơn anh/chị/bạn/em đã cùng TBS bảo vệ môi trường”). Khoan nói đến việc thành phần trong các sản phẩm của TBS có thực sự “thiên nhiên” hay không, nhưng riêng khoản kêu gọi người mua bảo vệ môi trường, rõ ràng là hãng đang hành động một cách thực tế, thiết thực và rất văn minh!


REVIEW | Tarte Maracuja C-Brightener Eye Treatment

Xin chào mọi người!

Như đã hứa ở post trước, sau 1 tháng sử dụng em kem mắt Tarte Maracuja C-Brighter Eye Treatment, hôm nay mình sẽ làm một post review chi tiết về em nó để mọi người tham khảo :)


Đôi điều về hãng Tarte: CEO và đồng thời là người sang lập Tarte là Maureen Kelly, sinh trưởng trong một gia đình mà cả bố và mẹ đều làm trong ngành tư pháp ở NY - tức là chả liên quan gì đến vấn đề làm đẹp hết cả. Tuy nhiên, cô lại là người đam mê làm đẹp. Từ niềm say mê, tìm tòi, Maureen nhận ra rằng trong hằng hà sa số các sản phẩm làm đẹp đang bày bán trên thị trường, dường như chẳng có sản phẩm nào đáp ứng đc nhu cầu vừa làm đẹp vừa an toàn cho sức khỏe con người hết cả. Và cũng từ suy nghĩ đó, năm 1999, Maureen đã thành lập hãng Tarte Cosmetics.

Tarte hướng đến các sản phẩm làm đẹp đa dạng, tuy nhiên mấu chốt đó là nguyên liệu sử dụng rất an toàn: các chất khoáng, chất tạo màu tự nhiên, một số nguyên liệu từ thiên nhiên như đất sét amazon, quả acaiberry - gojiberry... đảm bảo tiêu chí sử dụng lâu dài mà không gây hại đến vấn đề sức khỏe của người sử dụng. Tarte gọi đó là 12-hour power™ - nhằm chỉ ra rằng người sử dụng sẽ đc bảo vệ dài lâu khi sử dụng sản phẩm của hãng.

Hiện Tarte cho ra đời khá nhiều sp đa dạng và đầy đủ của cả skincare và makeup.

Dòng Maracuja của Tarte: Dòng Maracuja của Tarte có lẽ là một trong những dòng có các sản phẩm dưỡng da gây được tiếng vang và nhiều thiện cảm của Tarte trong thời gian vừa qua. Hiện dòng Maracuja đã có nhiều sản phẩm đa dạng hơn, không chỉ về dưỡng da mà còn về cả trang điểm nữa.

Maracuja - nghe cái tên có vẻ... ma quái, nhưng thực chất nếu bạn tìm hiểu sẽ thấy rằng đó chính là loại dầu được lấy từ một loại hoa quả rất quen thuộc: quả chanh leo.

Theo Tarte thì chỉ một cách đồng ở Brazil mới có thể trồng được quả chanh leo có thể cho ra những giọt dầu Maracuja chất lượng nhất. Những trái chanh leo sẽ được người nông dân thu hoạch bằng tay vào cuối tháng tám hằng năm, sau đó mọi công đoạn chắt lọc ra dầu Maracuja cũng được thực hiện bằng tay và đông lạnh để đảm bảo các dưỡng chất và vitamin không bị mất đi trong quá trình sản xuất.

Nổi bật của dòng Maracuja có lẽ là lọ dầu Pure Maracuja Oil - hầu như có mặt trên mọi "mặt trận" bình chọn dầu dưỡng da tốt nhất. Nhưng ngày hôm nay mình sẽ không review về em dầu dưỡng đấy mà là một em khác cũng của dòng này: kem mắt Maracuja C-Brightener Eye Treatment. 

[RE-UP] KINDERGARTEN ADVENTURE | TUẦN ĐI HỌC THỨ HAI CỦA BẠN XỐP VÀ KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 3

[Đây là post cũ từ trước của mình, ghi lại hành trình đi học mẫu giáo của bạn Xốp - vào năm 2015) vì bị lỗi phông nên mình up lại]

Tuần thứ hai đi học của bạn Xốp bắt đầu!


So với tuần 1 mẹ khá lo lắng về vấn đề ăn uống, ngủ nghỉ và vui chơi của bạn ở lớp, thì đến tuần thứ hai này mẹ đã cảm thấy yên tâm hơn một tẹo.

Thứ Bảy của tuần trước chính ra bạn Xốp phải đi học, nhưng mẹ thấy bạn ho khan hơi nhiều nên quyết định cho bạn nghỉ ở nhà 1 ngày để theo dõi và đi khám vào buổi chiều hôm đấy. Trộm vía bạn chỉ bị viêm mũi họng nhẹ thôi, phần nhiều mẹ nghĩ là do thay đổi thời tiết mà ra. Sau khi cho bạn uống thuốc được 1 ngày rưỡi, Thứ Hai mẹ quyết định vẫn cho bạn đi học như bình thường. Bạn không sốt, không quấy khóc, ho khan nhưng trộm vía không nôn chớ khi ăn, mẹ nghĩ như vậy là ổn không có vấn đề gì.

Khám sk đầu năm ở trường, con nhà người ta giãy giụa còn con nhà mình trộm vía quen rồi nên rất ngoan! :)

Kinh nghiệm của nhiều mẹ chia sẻ trên mạng mà mẹ đọc được, và những kinh nghiệm của các bác, các cô, các chị trong gia đình và ở cơ quan thì trừ phi con ốm và bị sốt mới nên nghỉ học, còn con khỏi này nào thì nên cho con đi học lại ngày đấy, gửi thuốc để các cô ở lớp cho uống. Trộm vía chỉ trừ phi con sốt quá cao (khoảng ngoài 38,5 độ - gần 39 độ) thì con mới quấy khóc và không chịu uống thuốc, còn lại nếu bình thường thì con chịu uống, thậm chí là uống khá ngon lành. Mặc dù vậy, lần này bác sĩ có kê cho loại thuốc kháng sinh hơi đắng một chút, các cô ở lớp cho con uống buổi đầu tiên con bị ọe, vì vậy mẹ quyết định sẽ cho con uống ở nhà, còn các loại thuốc siro dễ uống thì đem gửi cô cho uống tại lớp.

Một trong những tiến bộ vượt bậc tuần này của bạn Xốp là không khóc nhiều khi mẹ đưa đến lớp và sang tay cô giáo nữa. Con cũng đã hòa đồng hơn và tham gia nhiệt tình hơn vào các hoạt động ở lớp. Lại còn có bạn thân là bạn Na và bạn Mít nữa. Nghe yêu ghê cơ :)

Tuần này bạn Xốp đã sinh hoạt đúng giờ giấc và theo quy của hơn ở lớp, không còn lộn xộn nữa :D

Tuần này cũng đánh dấu một sự kiện quan trọng sau 2 tuần đi học của bạn Xốp: bạn không ngồi bô nữa mà đòi ngồi bệ xí như người lớn, và mỗi khi có nhu cầu bạn lại từ tụt quần và tự leo lên ngồi tè, ị :D

Nhìn chung thì việc đi học của bạn Xốp (trộm vía) có vẻ đã vào quỹ đạo đâu ra đấy. Lịch sinh hoạt của mọi người trong nhà cũng không xáo trộn nhiều vì mẹ đã "rèn" cho cả nhà đi theo lịch demo trước khi đi học khá tốt rồi. Vấn đề quan trọng bây giờ là tăng cường sức khỏe cho bạn Xốp trước mùa đông sắp tới thôi. Sang tuần mẹ sẽ tiếp tục cho bạn uống thuốc bổ đã mua ở bác sĩ quen của gia đình, giúp bạn tăng cường sức đề kháng. Trước khi đi bạn đã uống 1 đợt, giờ mẹ nghĩ nên cho uống thêm 1 đợt nữa để hỗ trợ chống chọi lại mùa đông khắc nghiệt này.

Tuy nhiên mọi việc không hề suôn sẻ như thế, mẹ đang chuẩn bị rơi vào một tình huống căng thẳng khác ở bạn Xốp: khủng hoảng tuổi lên 3!

Mẹ đã nghe nói nhiều đến vấn đề này rồi, nhưng không ngờ nó lại... rắc rối như vậy. Kể từ hôm đi học về, bạn thường xuyên gào thét, nghịch ngợm một cách hơi quá lố, rồi khi không đồng ý cái gì bạn khóc lóc, gào ầm ĩ nhà cửa ăn vạ. Mẹ nói không được, mẹ quát không xong, mẹ lôi roi ra dọa cũng chỉ được một lúc, mẹ đánh thì khóc rồi xin lỗi xong đâu lại vào đấy :( Đầu tiên mẹ nghĩ đó là cách để bạn "giải tóa" áp lực sau những giờ căng thẳng trên lớp học những buổi đầu. Nhưng sang đến tuần này thi mẹ thấy đấy đích thị không còn là "giải tỏa" nữa mà nó là biểu hiện của giai đoạn "khủng hoảng" thì đúng hơn.

Bạn thích làm mọi việc, bạn muốn mọi người làm mọi việc theo ý bạn, và khi bạn không hài lòng với mọi thứ mọi người làm cho bạn thì bạn gào khóc, ăn vạ, và có những hành động như đánh trả người lớn, quát lại người lớn.

Nói tóm lại không có một phương án cụ thể nào để đối diện với công cuộc khủng hoảng của bạn. Nói nhẹ nhàng thì lại sợ bạn "nhờn", mà nói căng thẳng thì bạn lại gào khóc làm mẹ căng thẳng hơn, mà đánh thì thực sự là chỉ cùng đường hoặc mẹ tức lắm rồi, nói mãi không được mẹ mới đánh - vì nó thực sự là một hình thức không mấy dễ chịu cho cả hai mẹ con.


Mẹ cũng không biết là cái giai đoạn "khủng hoảng" này nó còn kéo dài lâu không. Nhưng thực sự thì cái sự bướng của bạn nhiều khi nó vượt quá cả sự chịu đựng và giới hạn mà mẹ có. Và mẹ đã phải tìm đến roi vọt vài lần, thậm chí là phải giơ cao và đánh đau để bạn nhớ mà chừa. Nhưng cũng chỉ được 1 chốc 1 lát là đâu lại vào đấy. Phương án dùng roi vọt có lẽ không hề hiệu quả.

Nhưng có lẽ mẹ đã nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm rồi!

Tối hôm qua bạn đòi mẹ đưa bút bi để bạn vẽ. Nhưng bố bạn, sau vài lần cho bạn chơi và bạn... vẽ vào ghế salon da, rồi bạn nghịch và ngòi bút thì khá nhọn... đã quyết định không cho bạn nghịch nữa và vứt bút bi cũng như giấu đi. Bạn biết chỗ bố mẹ hay để bút bi (trong ngăn khéo bàn làm việc) nên khi đòi không được bạn bèn chạy lại và bảo mẹ mở ngăn kéo để bạn tìm xem có không, mặc dù mẹ đã nói là "bố vứt đi hết rồi". Cực chẳng đã, mẹ lừa bạn chạy ra ngoài lấy giấy, nhanh tay mở ngăn kéo và cất hết số bút đấy sang ngăn kéo khác. Sau đó khi bạn chạy vào thì mẹ mở ra cho bạn tìm, bạn ngó, bạn lục chán chê... Và bạn thốt lên: "bố vứt đi hết rồi, không có rồi". Thừa thắng xông lên, mẹ bảo rằng: "đấy, bố vứt đi hết rồi, mẹ nói con không tin, thôi bây giờ con chỉ còn bút chì màu của con thôi, con dùng đi nhé", và thế là bạn ngoan ngoãn "vâng ạ" rồi lúi húi ngồi vẽ vời với bộ bút chì của bạn.

Có lẽ thời gian tới, lợi dụng cái sự "tồ" của bạn, mẹ sẽ áp dụng cách: bạn đòi - giấu hết đi - cho bạn xem cái bạn đòi không có - bạn sẽ không đòi nữa.

Hy vọng cách này có thể áp dụng được lâu!

Vẫn tiếp tục theo dõi và ghi nhận quá trình đi học của bạn Xốp.

Thân,


Preparing for Pregnancy | 5 điều chẳng ai nói với bạn về mang thai và sinh nở


Đây là những "trải nghiệm" của riêng mình trong lần mang thai đầu tiên. Và thực sự thì đúng là chẳng ai nói cho mình biết thật, cho đến khi mình đẻ em bé xong và tự ngẫm nghĩ lại :) Viết cho vui thôi, vì mỗi người một hoàn cảnh và một trải nghiệm thai kì khác nhau

Monthly Favs | September 2015


Một tháng nữa lại trôi qua rồi!!!!!

Tháng Chín vừa rồi mình có nhiều tin mừng hơn trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân, vì thế nên cũng có nhiều niềm vui hơn và cũng có nhiều trải nghiệm với kha khá sản phẩm chất lượng tốt. Sau một tháng, mình lại ngồi tranh thủ chia sẻ với mọi người về những món đồ yêu thích của mình trong tháng vừa rồi - có điều tháng này sẽ đặc biệt hơn chút vì đúng tháng mà mình yêu thích nhất trong năm - tháng Mùa Thu về :)


[RE-UP] KINDERGARTEN ADVENTURE | TUẦN ĐI HỌC THỰC SỰ CỦA BẠN XỐP BẮT ĐẦU

[Đây là post cũ từ trước của mình, ghi lại hành trình đi học mẫu giáo của bạn Xốp - vào năm 2015) vì bị lỗi phông nên mình up lại]


Không hiểu sao mấy cái dự định của mình mà cứ viết ra trước là y rằng sẽ đổ bể, ý nói riêng trong cái series "mầm non ký sự" này! Tuần trước mình có chia sẻ với mọi người về việc dự định cho bạn Xốp khỏi ốm rồi đi học lại để kịp chương trình Khai giảng và Trung thu của trường, thế mà đổ bể đấy. Con mình sau khi hết sốt và loét họng thì lại bị nổi mẩn ở người, mình phải cho con ở nhà đến hết Chủ Nhật và đến Thứ Hai tuần này (28/9) thì cho con đi học lại. Lần này là đi học thực sự: từ sáng đến chiều và không có người đi cùng.

Trộm vía bạn Xốp đi học được 4 ngày thì hơi bị sụt sịt sổ mũi (chắc do khóc nhiều mấy hôm đầu và thay đổi thời tiết) - không biết là sau khi post bài này lên thì con mình có ốm không đây huhuhuhu :(

Hai ngày đầu tiên mình sợ đến độ không dám đưa con đi mà bắt bố bạn Xốp phải đưa đi.



Hiển nhiên là hôm đầu tiên con khóc khá nhiều, nhìn qua camera thấy khóc nấc cả vai lên thương lắm :( Cảm giác chỉ muốn lao đến ôm con vào lòng mà vỗ về rồi đưa con về nhà để con đừng sợ và đừng khóc nữa. Ngày hôm đấy mình xin nghỉ buổi chiều, đến rất sớm để đón con (tầm 15h30). Lúc mở cửa vào lớp thấy các bạn đang ngồi quây tròn quanh cô để cô buộc tóc cho, con cũng ngồi cạnh cô nhưng đang nức nở khóc. Nhìn thấy mẹ, con lao vào lòng ôm, ghì chặt lấy. Thương vô cùng luôn :(

Một số biểu hiện "bất thường" trong những ngày đầu đi học của bạn Xốp:

1. Nghịch hơn khi ở nhà

Mình chuẩn bị sẵn tư tưởng là khi về con sẽ mệt, sẽ quấy, sẽ hay gào thét... dựa trên kinh nghiệm của các mẹ chia sẻ trên mạng mình đã đọc được. Chắc con mình nó thuộc loại cá biệt! Về nhà, bạn Xốp vui vẻ như chưa từng vui vẻ hơn, trộm vía ăn được, và nghịch thì thôi rồi. Bình thường đã nghịch, những hôm đi học về như kiểu bị "thừa năng lượng" nên nghịch phải gấp đôi, gấp ba bình thường. Hò hét, chạy nhảy loạn xị ngậu trong nhà lên =.=

Mình hiểu rằng việc ở lớp đã khiến con có những "ức chế" nhất định, và khi về nhà - là môi trường thân thuộc với con, con cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn nên việc con nghịch ngợm hơn (cũng giống như nhiều bạn gào thét, khóc lóc... khi đi học về) như là một cách để con "giải tỏa" những ức chế về mặt thần kinh đấy.

Với bạn Xốp, khi đi học về, mình dành nhiều thời gian để ôm bạn, chơi với bạn, thơm bạn, vuốt ve bạn, hỏi han bạn về trường lớp - cô giáo và các bạn, cười nhiều hơn với bạn. Mình cũng nhắc nhở mọi người trong nhà không quát to, không cầm roi vọt đánh bạn (chỉ trừ trường hợp quá hư không thể không đánh để nhớ)... Bạn có vẻ khá "hài lòng" với không khí trong nhà những ngày này. Về nhà là bạn trở nên vui vẻ, tươi tỉnh, hoạt bát và nghịch ngợm.

 2. Cực kì "quấn" một cô giáo nhất định khi ở lớp

Con có một "đặc điểm" là cực kì quấn một cô ở trong lớp, lại là cô Chủ nhiệm (lớp bạn Xốp có đến 4 cô trông). Mình đã tiếp xúc với cô được 1-2 lần khi con đi học thử, và bác giúp việc trong tuần đầu tiên đưa bạn Xốp đi học và ngồi ở lớp cùng thì cũng về nhận xét cô khá hiền, chuyên môn nghiệp vụ tốt và đặc biệt là rất dịu dàng, tình cảm với các bé. Mấy ngày đầu tiên con chỉ "theo" mỗi cô, nhìn qua camera thấy cô đi đâu con cũng đi theo, cô làm gì con cũng ngồi cạnh, và có vẻ như còn đòi cô bế - cô vỗ về mới chịu. Sang đến ngày thứ hai đi học, mình thấy con vẫn theo cô nhưng "cường độ" có vẻ giảm đi một tẹo. Buổi chiều đến đón mình cũng gặp cô trao đổi, cô cũng nói rằng hôm đầu thì theo ghê lắm, nhưng đến hôm thứ hai cô bận không cho theo thì cô chỉ bảo "con ngồi đây chờ cô, cô đi 2 phút cô về" là bạn Xốp cũng chịu.

Những ngày đầu quấn chặt lấy cô giáo (cô tóc dài ngồi bên cạnh). Bao giờ cô ăn xong đi ngủ mới chịu đi ngủ

Mình nghĩ đây là tâm lí vô cùng bình thường của con: khi bị đưa đến một nơi xa lạ, không có ai thân quen, bản thân con sẽ phải có những hành động để bảo vệ mình. Ở đây, bạn Xốp tìm đến với cô giáo mà bạn cảm thấy cô dịu dàng, ân cần, và quan tâm. Chắc là trong 1 tuần đi học thử nữa ngày, bạn đã kịp quen và cảm thấy an tâm hơn khi có cô ở bên cạnh (so với các cô khác trong lớp). Vì vậy, nếu có điều kiện và thời gian, mình khuyên các mẹ nên dành khoảng vài ngày để con đến trường làm quen với cô giáo và các bạn, từ đấy việc con lạ lẫm trong môi trường mới và tìm thấy "cứu cánh" để tự trấn an bản thân sẽ dễ dàng hơn, con sẽ hòa nhập với lớp nhanh hơn.

3. Nhút nhát và chưa thực sự hòa đồng với các bạn

Về cơ bản, bạn Xốp không phải là người quá nhút nhát, nếu không muốn nói là khá nhanh mồm nhanh miệng. Tuy nhiên, những ngày đầu đi học con không "hòa đồng" lắm. Mình nhìn qua camera thấy các bạn chơi, vui đùa còn con cứ quấn chặt lấy cô giáo. Thậm chí lúc cả lớp ngồi xuống và làm động tác múa hát theo cô, con cũng chỉ ngồi cạnh cô và nhìn các bạn. Thấy tội con ghê gớm :(

Sang đến ngày thứ ba thì con có vẻ tiến triển thêm một chút: con đã chịu ngồi ra với các bạn, đôi lúc vẫn thấy con đưa tay lên quệt nước mắt, nhưng cô dạy làm động tác múa hát con đã chịu làm theo... và khi ra sân chơi con đã chịu chơi cùng các bạn cứ không "bấu" lấy cô như hai hôm đầu nữa. Buổi chiều, thay vì dấm dứt khóc như hôm đầu tiên, hoặc ngồi thui thủi một góc không chơi với các bạn như hôm thứ hai, con đã có vẻ hòa đồng hơn và chịu chơi cùng các bạn xung quanh hơn.

Sang đến ngày thứ ba con đã chịu chơi với các bạn và không quấn lấy cô nữa

Cũng tương tự như biểu hiện thứ hai, mình thấy rằng đây là cách con đang tập làm quen với môi trường mới đồng thời cũng là một cách đề bảo vệ bản thân trước những người bạn mà con chưa biết nhiều. Khoản này mình không lo lắm, thời gian tới chắc chắn bạn Xốp khi quen lớp sẽ vui đùa với các bạn nhiều hơn.

4. Khóc vào mỗi buổi sáng và nói rằng "không muốn đi học"

Mặc dù khá thoải mái với 3 vấn đề trên, thì vấn đề thứ 4 này mình lại phải giải quyết một cách nhẹ nhàng và kĩ càng nhất có thể với con. 

Việc con đi học có lẽ vẫn chưa thực sự "thoải mái" và quen thuộc lắm. Sáng nào con thức dậy con cũng khóc và thút thít là "con không đi học đâu, con ở nhà cơ..."

Thường mình sẽ nói với bạn rằng "dậy đánh răng rửa mặt, thay quần áo rồi con đi học nào con", thì y rằng bạn sẽ mếu máo "con không đi học đâu". Lúc này, mình chỉ đơn giản ôm bạn vào lòng, giải thích cho bạn là đi học rất vui, rất nhiều điều bổ ích được học ở trường, có cô giáo và nhiều bạn... ở nhà sẽ không được như thế nên không ở nhà. Rằng mọi người ở nhà đều bận không ai có thể đi cùng được nên bạn phải tự lập và đi một mình. Cứ nói đi nói lại như vậy trong khoảng 15 đến 20 phút, sau đó thì làm vệ sinh cá nhân và một số thao tác cần thiết vào buổi sáng và lên đường đi học.

Một trong những điều mình khuyên các mẹ nếu có con chuẩn bị đi học mẫu giáo, đấy là tập cho con ngủ sớm và dậy sớm vào sáng hôm sau. Bạn Xốp 10h tối đi ngủ, khoảng 7h sáng là bạn dậy. Nguyên nhân một phần cũng để có thời gian làm "công tác tư tưởng" và đối phó với những trận mè nheo của bạn.

Việc dành thời gian để giải thích, vỗ về và trấn an các bạn nhỏ trước khi đi học vào mỗi buổi sáng là vô cùng cần thiết. Mình, đặt địa vị vào con, sẽ cảm thấy mình được tôn trọng - rằng việc đi học nó là bắt buộc nhưng cũng đồng thời hiểu rằng đi học là một việc cần phải làm chứ không phải muốn là đi, không muốn là nghỉ. Cảm giác được bố mẹ vỗ về, trấn an cũng khiến con đỡ có cảm giác áp lực, ức chế và tủi thân hơn, không có mặc cảm rằng "bố mẹ mang mình đi học để vứt bỏ mình" - cảm giác này không hề tốt tí nào, những sự ức chế lâu ngày sẽ dẫn đến những hành động phản kháng, ví dụ: dậm tay dậm chân, nằm lăn ra nhà ăn vạ, khóc lóc và gào thét đòi không đi học, vứt và ném đồ đạc v.v..

*****

Dựa trên kinh nghiệm vài hôm đầu đi học của bản thân, mình thấy rằng đây đích thực là một giai đoạn "nhạy cảm": nhạy cảm cả với con, nhạy cảm cả với bố mẹ và mọi thành viên trong gia đình. Nếu nuông chiều con quá, làm theo ý con là không cho con đi học hoặc xót xa con mãi không chịu dứt con ra để con vào lớp... vô hình chung sẽ khiến con càng mè nheo và khóc quấy hơn, việc đi học sẽ khó khăn hơn. Nếu không nuông chiều con mà trở nên nghiêm khắc, thì cũng không hề tốt: con đi học những ngày đầu rất lo sợ, bất an, bố mẹ lại lạnh lùng và nghiêm khắc khi ở nhà càng khiến con trở nên căng thẳng và tủi thân hơn, gây nên những ảnh hưởng về mặt tâm lí rất sâu.

Quan điểm của mình trong giai đoạn này đó là cứng rắn đúng mực và mềm mỏng đúng cách.

Hai hôm đầu bố bạn Xốp đưa đi. Đến hôm thứ ba trở đi thì mình đưa bạn Xốp đi học (chắc bạn cảm thấy mẹ đưa đi thì an tâm hơn và nghĩ rằng mẹ sẽ dễ "mủi lòng" hơn bố). Cả hai vợ chồng mình đều thống nhất: đưa con đến gửi cô, dặn dò cô ngắn gọn thôi, chào con vui vẻ và quay xe đi luôn.

Mình đã đọc được trong nhiều tài liệu nói rằng: tâm lý những ngày đầu tiên đi trẻ của bé, phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý bố mẹ. Bố mẹ căng thẳng, bất an, lo lắng... trẻ sẽ dễ chi phối bố mẹ hơn và việc con quen với trường lớp, thầy cô giáo và bạn bè sẽ càng lâu hơn. Ngược lại, bố mẹ cảm thấy việc đưa con đi học là việc bình thường, con khóc và đòi bố mẹ trong những ngày đầu là bình thường và hoàn toàn vui vẻ trong quá trình đưa con đi cũng như đón con về, con sẽ dần dần hiểu rằng "đi học là một việc hằng ngày phải làm" và "bố mẹ đưa đến rồi bố mẹ sẽ đón về", tâm lý lo lắng sợ hãi do đó cũng dần biến mất và con dễ hòa đồng với môi trường mới hơn.

Vẫn tiếp tục theo dõi và cập nhật về chặng đường "đi học" của bạn Xốp.

Thân,

[RE-UP] KINDERGARTEN ADVENTURE | TUẦN ĐẦU TIÊN ĐI HỌC VÀ TRẬN ỐM ĐẦU TIÊN

[Đây là post cũ từ trước của mình, ghi lại hành trình đi học mẫu giáo của bạn Xốp - vào năm 2015) vì bị lỗi phông nên mình up lại]


TỔNG HỢP TÌNH HÌNH ĐI HỌC TUẦN ĐẦU TIÊN CỦA BẠN XỐP 
& TRẬN ỐM ĐẦU TIÊN CỦA BẠN
Tuần đầu tiên đi học nửa ngày và có người kèm, con sinh ra hai tật xấu: một là hay cho tay vào mồm - việc mà từ trước đến nay con rất ít khi làm, đặc biệt không chỉ cho một ngón tay mà nhiều khi con còn cho 3 ngón hoặc cả bàn tay vào mồm; hai là con bắt đầu hiểu chuyện và mặc cả rằng "con đi học với bà Quyên" (bà Quyên là tên bác giúp việc nhà mình).

Bên cạnh đó, khi con đi học được 4 ngày, mẹ có lên gặp trực tiếp các cô đứng lớp và tham khảo ý kiến thì các cô nói rằng: so với các bạn 2,5 tuổi về trí tuệ con trộm vía phát triển tốt, nhanh nhẹn, tiếp thu được nhiều thứ. Đặc biệt trong hai vấn đề là ăn uống và ngôn ngữ con phát triển rất tốt, tự lập và không phụ thuộc. Điều này mẹ không hề ngỡ ngàng.

Đúng là so với các bạn đồng trang lứa, có thể con không mập mạp hoặc nặng cân bằng, nhưng con ăn tốt, mức ăn con ở ngưỡng trung bình chứ không phải là ít, không bao giờ có chuyện mẹ ép con ăn bằng được (trừ khi con ốm) và kĩ năng tự cầm thìa và bát xúc ăn mẹ đã luyện cho con từ khi được hơn 1 tuổi nên con làm rất thuần thục.

Mẹ đã áp dụng việc cho con đi Viện Dinh Dưỡng để thay đổi chế độ ăn cũng như cách thức nấu thức ăn, nhưng nhìn chung 90% những gì mẹ làm bác sĩ đều đồng tình cho rằng mẹ đã làm đúng, và con chỉ nhẹ cân so với các bạn cùng trang lứa chứ không hề bị suy dinh dưỡng! Tuy nhiên khoảng 1 tháng trước khi cho con chính thức đi học, mẹ rút dần các loại thuốc bổ sung chất, và sau đó là cắt hẳn để con không phụ thuộc quá nhiều vào các loại thuốc đấy, mục đích của mẹ là muốn cơ thể con tự điều tiết và thay đổi sao cho phù hợp chứ không nên phụ thuộc quá nhiều vào thuốc thang. Thì chỉ sau độ 2 tuần, con lại hơi gầy đi một tẹo, và tình trạng cân nặng của con thì cũng không tăng lên nhiều như khi con uống thuốc dinh dưỡng.

Mẹ hiểu rằng, không phải do cách mẹ chăm con sai, mà là do cơ thể con không hấp thụ được nhiều chất vì vậy việc con không bụ bẫm, không béo tốt là điều không tránh khỏi. Và mẹ cũng không cần con bụ bẫm, béo tốt!

Về mặt ngôn ngữ, con cũng có sự phát triển tốt mà mẹ rất hài lòng. Cách diễn đạt câu cú của con nhiều khi vẫn còn ngọng và hơi bị ngược. Ví dụ, khi mẹ hỏi con có đi tè không, ý con muốn nói rằng: "không, sáng nay bà đã xi tè cho con rồi", thì con lại nói ngược thành "không, bà xi sáng nay, con tè rồi". Hoặc nhiều ví dụ khác nữa mà trong dòng suy nghĩ khi type những dòng này mẹ không thể nhớ được. Nói chung là, ở thời điểm hiện tại người lớn nói gì con đều hiểu hết, và đều có thể biểu hiện ra quan điểm cá nhân của mình hết.

Các cô cho rằng đó là điểm mạnh, nhưng đồng thời cũng là điểm cần lưu ý khi mẹ muốn cho con đi học cả ngày ở trường và không có người đi cùng. Phần vì sự nhận thức của con rất tốt, nên các cô sẽ không dễ "lừa" con để con quên mẹ và nhanh nín khóc so với các bạn bé hơn hoặc bằng tuổi nhưng nhận thức không phát triển bằng. Tuy nhiên, các cô cũng bày cách cho mẹ là hãy nói chuyện để cho con hiểu, đại loại: "bây giờ con đã lớn, bà Quyên còn bận nhiều việc nhà, bố mẹ bận đi làm, con phải tự lập trong việc đi học. Nhiều bạn ở lớp cũng như thế, con phải chấp hành đúng nội quy v.v.."

Mẹ về áp dụng triệt để cách cô hướng dẫn, xem chừng con có vẻ cũng hợp tác, nhưng nói chung mẹ cũng không tin lắm vào việc con sẽ chấp nhận sự thật phải đi học một mình trong những ngày đầu, và sẽ liên tục quấy khóc, bướng bỉnh.

Một trong những "sự kiện" của tuần đầu tiên đi học, đó là con bị ốm.

Mọi biểu hiện của con đều bình thường, cho đến chiều thứ 7 khi mẹ đi học về, thấy có cuộc gọi nhỡ của bác giúp việc. Bác nói rằng bác thấy con ăn nuốt hơi khó khăn, co rúm người lại mỗi lần nuốt, và hơi ậm ọa buồn nôn. Trong khi con không có biểu hiện sổ mũi, ho hay nôn ọe gì trong nhiều ngày trước. Mẹ đã cầm đèn pin lên soi vào họng, và thấy hai bên thành họng con hơi ửng đỏ lên. Mẹ cho con đi khám bác sĩ, được chuẩn đoán là viêm loét họng.

Con bắt đầu hâm hấp sốt từ chiều Thứ Bảy, và sốt liên tục trong đêm ngày Thứ Bảy vừa rồi. Cứ 4 tiếng cơn sốt lại lên, mẹ phải cho con uống thay phiên Efferalgan và Sotstop. Sáng Chủ Nhật con vẫn sốt, nhưng "cữ" sốt kéo dài ra khoảng 6-7 tiếng đồng hồ, đến đêm Chủ Nhật con ra nhiều mồ hôi và hạ sốt nhanh. Ngày Thứ Hai con vẫn hâm hấp, mẹ phải xin nghỉ làm ở cơ quan vì lo lắng con sẽ quấy khóc và sốt lại. Trộm vía con chỉ hâm hấp đến 37,8-37,9 độ sau đó con tự hạ, và đến chiều tối thì con hạ sốt hẳn chỉ còn 37,1-37,2 độ. Sang ngày Thứ Ba thì con hoàn toàn trở về với nhiệt độ bình thường.

Trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật, mặc dù sốt nhưng chỉ cần hạ là con ăn chơi tốt và ngoan, không có biểu hiện nôn ọe, biếng ăn. Điều này khiến mẹ rất mừng. Hồi xưa khi con bé, chỉ cần con lên đến nhiệt độ 37,8 độ thôi là con sẽ rất quấy, bỏ ăn và chỉ có bú mẹ thì mới dỗ được con nín khóc. Chính vì vậy mỗi lần chăm con ốm khi con còn bé mẹ rất mệt mỏi, áp lực và căng thẳng. Trộm vía mỗi tuổi một khác, giờ lớn hơn mặc dù ốm nhưng con vẫn chịu chơi, vẫn chịu ăn. Chỉ khi bắt đầu chạm ngưỡng 38,5 độ thì con mới khóc vì mệt và đòi mẹ bế.

Kể từ chiều ngày Chủ Nhật đến ngày Thứ Hai, con có biểu hiện đau mồm và khóc vì đau mồm mỗi khi ăn. Mẹ lo lắng cho con đi khám lại bác sĩ, bác soi và thấy họng con bắt đầu xuất hiện những nốt nhiệt - đây là biểu hiện hết sức bình thường của bệnh viêm loét họng, quan trọng là con đã hết sốt thì bệnh cũng sẽ dần dần suy giảm. Quan trọng hơn, từ hôm Thứ Bảy đến giờ con không mọc nốt ban ở tay chân, vết loét chỉ ở trong cuống họng chứ không lan ra lưỡi và hai bên thành miệng, vì vậy bác sĩ loại trừ khả năng con bị Tay-Chân-Miệng và cho rằng con vi-rút gây ra việc loét họng lần này ở con là loại vi-rút lành tính, bệnh sẽ thuyên giảm trong một vài ngày tới.

Đến hôm nay là Thứ Tư, trộm vía con đã khỏe mạnh trở lại, mức ăn cũng đã quay lại với quỹ đạo bình thường. Duy chỉ có một vấn đề là con hơi táo một tẹo, và mẹ cũng mới quyết định cho con ăn lại cơm từ hôm nay còn lại mấy hôm trước mẹ chủ yếu nấu cháo loãng cho con ăn để dễ nuốt và đỡ đau họng hơn.

Mẹ quyết định ngày mai sẽ cho con đi học lại. Cô giáo hôm qua đã gọi điện hỏi thăm tình hình, và cũng mong mẹ cho con đi học lại vì cuối tuần này là Trung Thu, và lớp con sẽ có một tiết mục biểu diễn trong chương trình Khai giảng - Tết Trung Thu và triển lãm mỹ thuật thường niên của trường.

Hy vọng ngày mai con đi học sẽ không có vấn đề gì. Cũng chỉ là hy vọng thôi, vì nhiều khi con hay làm trái lại với những hy vọng của mẹ lắm :D

KINH NGHIỆM NHẬN BIẾT VÀ CHỮA TRỊ BỆNH VIÊM LOÉT HỌNG CHO TRẺ

Bạn Xốp nhà mình bị Chân-Tay-Miệng một lần rồi, và lần này là bị viêm loét họng. Về cơ bản thì hai bệnh này na ná như nhau, có điều Chân-Tay-Miệng nguy hiểm hơn. Cũng dựa trên hai lần chăm con ốm, mình cũng gọi là có chút kinh nghiệm muốn chia sẻ với mọi người.

Bệnh thường "ủ" từ 3,4 ngày đến 1 tuần. Nên nhiều khả năng bạn Xốp bị lấy ở lớp, và nguyên nhân chính là do hay cho tay vào mồm (như mình đã nói ở đầu bài).

Chân-Tay-Miệng sẽ phát ra những nốt ban ở kẽ tay, kẽ chân, bàn chân, mông... khiến trẻ bị ngứa ngáy, họng sưng đỏ và loét, khiến trẻ không ăn uống được hoặc ăn uống rất khó khăn. Ứng phó với bệnh này, hồi mình vào Đà Nẵng và chữa bệnh tại đấy (chi tiết thì mình có ghi ở trong post trước đây, mọi người quan tâm có thể đọc tại đây), các bác sĩ cho bé nhà mình uống thuốc an thần để bé ngủ - tránh việc gãi ngứa gây lở loét, họng thì bôi thuốc để bé không đau khi ăn, và sau khi ăn thì rửa họng bằng nước muối sinh lý, sốt thì uống hạ sốt, uống kháng sinh để trị viêm loét bên trọng họng. Vậy thôi. Bệnh này quan trọng nhất là theo dõi xem có biểu hiện gì bất thường không để kịp thời xử lý.

Với viêm loét họng - cũng có thể nói là một dạng Chân-Tay-Miệng nhưng nhẹ hơn. Tùy vào cơ địa từng bé và tùy vào thời gian bạn phát hiện bệnh sớm hay muộn để kịp thời điều trị. Bệnh không hề có biểu hiện gì lạ lẫm, với bé nhà mình chỉ đơn giản là nuốt khó, có vẻ đau khi nuốt, mỗi lần nuốt cơ thể co dúm lại vì đau... với các bé khác thì có thể kèm thêm nôn chớ, sốt nhẹ v.v.. Cũng tùy thuộc vào mỗi bé mà có bé sốt lâu có bé sốt nhanh, như bạn Xốp nhà mình lần này trộm vía là hạ sốt nhanh và không sốt quá cao.

Khi thấy có biểu hiện đáng nghi, bạn có thể dùng đèn soi họng và miệng của con. Bệnh mới chớm thì chỉ bị ở hai bên thành cuống họng, ửng đỏ nhẹ nhè... Nhưng khi đã nặng hơn thì sẽ xuất hiện các vết như kiểu bị nhiệt miệng, nặng hơn nữa thì lan ra hai bên thành miệng và lưỡi. Đặc điểm chung khi bị nặng là sốt cao (do loét gây viêm, và viêm thì sẽ gây sốt), và trẻ khó ăn uống (không ăn được, ăn bị nôn) vì đau họng. Ngoài ra bệnh này là vi-rút thuộc về đường tiêu hóa, vì vậy bé sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa trong thời gian bị bệnh.

Để chữa bệnh viêm loét họng thì chỉ có cách duy nhất là đưa trẻ đi bác sĩ - bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh cho bé uống. Uống kháng sinh là bắt buộc, vì bệnh này bị ở bên trong vòm họng, mà họng thì lại thường xuyên ẩm ướt do nước bọt tiết ra - rồi thức ăn đi vào qua đường họng... vì vậy không thể tránh được việc họng đã loét càng loẹt nặng hơn, rất lâu lành. Kháng sinh là cách duy nhất giúp bệnh thuyên giảm và hạn chế tình trạng loét nặng hơn.

Ngoài ra bạn cần chuẩn bị:

- Thuốc hạ sốt: Efferalgan và thêm một loại thuốc siro nữa - lúc nào trong tủ thuốc của nhà cũng phải có sẵn thuốc hạ sốt cho con.

Ttrong những ngày đầu tiên khi phát bệnh, trẻ sẽ sốt cao, sốt liên tục, cách 3-4 tiếng lại sốt một lần. Efferalgan có đặc điểm là sử dụng phụ thuộc vào cân nặng của trẻ, vì vậy khi mua cần nói rõ cân nặng của bé để người bán thuốc đưa đúng loại. Tuy nhiên Efferalgan chỉ được uống cách 4 tiếng/lần, trong khi những ngày đầu trẻ sẽ sốt liên tục có khi chưa đến 2 tiếng đã sốt lại.

Có nhiều loại Efferalgan trên thị trường, các bé sẽ bắt đầu với loại 80mg, sau đó là 150mg và hơn nữa - PHỤ THUỘC VÀO CÂN NẶNG
Siro hạ sốt phải sử dụng đúng theo hướng dẫn, cách 6 tiếng uống 1 lần

Ngoài việc tích cực chườm nước ấm (ở trán, nách, bẹn và quấn vào bàn chân thì càng tốt, tháo bỉm và mặc quần áo thoáng, ở trong phòng thoáng khi và trách gió), bạn nên chuẩn bị sẵn một loại thuốc hạ sốt dạng siro bên cạnh Efferalgan. Trong trường hợp 2 tiếng bé lại sốt cao lại, hãy cho bé uống  thuốc hạ sốt dạng siro, và sau 6 tiếng mới được uống thuốc hạ sốt siro lần nữa (chỉ tính việc uống thuốc siro, uống xen kẽ với Efferalgan).

Nếu bé sốt 4 tiếng/lần chỉ nên cho uống với Efferalgan, đừng nên lạm dùng thuốc hạ sốt siro.

- Nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9%: mình thường xuyên mua loại như trong hình vì đầu được vát tròn tránh gây tổn thương khi nhỏ vào mũi, mắt và miệng trẻ. Sử dụng sau mỗi lần ăn xong, nhỏ nước muỗi vào trong họng để vệ sinh và sát khuẩn. Để tránh việc trẻ bị sặc, nghiêng lọ nước muối để nước chảy xuôi theo thành miệng của trẻ, đừng nhỏ thẳng và bóp mạnh trực tiếp vào họng.


- Thuốc rơ miệng Kamistad Gel: chắc chắn phải có, nếu không trẻ sẽ không thể ăn được. Đây là một loại thuốc có tác dụng làm tê miệng tạm thời, khiến cho trẻ giảm thiểu đau đớn khi ăn - nuốt. Sử dụng 30 phút trước khi cho trẻ ăn, rửa tay sạch, đeo gạc ra lưỡi vào ngón tay, lấy một lượng thuốc vừa đủ bôi nhẹ nhàng xung quanh miệng và trên lưỡi của trẻ. Đừng chọc sâu vào họng trẻ, nước bọt tiết ra sẽ giúp trẻ tự nuốt thuốc vào họng và thuốc sẽ tự phát huy tác dụng. Việc thọc sâu vào họng bôi thuốc khiến trẻ sợ bôi thuốc, đau họng (vì bị ọe) và có thể trong quá trình bôi khiến các vết loét bị xước gây nhiễm trùng nặng hơn.


- Men tiêu hóa: vì đây là loại vi-rút thuộc hệ tiêu hóa và phải sử dụng kháng sinh trong điều trị nên nhất thiết trẻ phải được sử dụng men tiêu hóa trong suốt quá trình điều trị bệnh.

- Cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước Oresol trong những ngày đầu để tránh mất nước.

- Cho trẻ ăn thức ăn mềm, nguội. Tránh thức ăn cay, nóng, cứng.

- Sử dụng thuốc kháng sinh đúng liều lượng và theo chỉ định của bác sĩ.

Trên đây là một số chia sẻ của mình với các mẹ. Mình sẽ tiếp tục update tình hình đi học của bạn Xốp trong những post sắp tới.

Thân,